Untitled Document
TÌM HIỂU VỀ DẦU GỐC TỔNG HỢP Lê Thuyết

Từ những năm 1930, Hermann Zorn, người Đức, đã nghiên cứu ra dầu nhờn với các tính chất của dầu nhờn từ dầu thô nhưng không có các tính chất không mong muốn như điểm chảy cao, xu hướng tạo chất gel bám dính trong động cơ, chống oxy hóa kém, kém bền nhiệt… Người Đức đang cần một sản phẩm không có nguồn gốc từ dầu thô bởi lúc bấy giờ quốc này đang khó tiếp cận với nguồn dầu thô trên Thế giới. Tới giữa những năm 1940, kết quả của Phòng thí nghiệm Zorn đã có hơn 3500 hỗn hợp ester khác nhau, bao gồm các diester và các polyester.

Sơ đồ công nghệ sản xuất dầu VHVI của tập đoàn SK

Cuộc thử nghiệm thực tế đầu tiên đối với các chất bôi trơn này xảy ra trong Thế chiến II khi cả quân đội Đức và Mỹ bắt đầu sử dụng dầu nhờn tổng hợp trong động cơ máy bay. Họ nhận thấy chất tổng hợp làm cho động cơ khởi động dễ dàng hơn trong điều kiện khí hậu lạnh hơn (do có chỉ số độ nhớt cao) và giảm đáng kể lượng bồ hóng có thể tích tụ so sử dụng các chất bôi trơn gốc khoáng.

Phân loại dầu tổng hợp

Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) phân loại dầu tổng hợp thành 2 loại cơ bản. Nhóm thứ nhất là dầu API nhóm IV, chỉ có duy nhất là dầu PAO (PolyAlphaOlefin). PAO được tạo thành bằng phản ứng trùng hợp Alpha-Olefin ví dụ như Ethylene. Thứ 2 là API nhóm V. Đây là tất cả dầu tổng hợp khác không phải dầu PAO, ví dụ như diester, polyolester, alkylated benzene, phosphate ester…

Trong thời gian gần đây, có nhiều sự hiểu nhầm liên quan tới việc sử dùng từ “tổng hợp”. Một số công ty đã phát triển công nghệ mới sản xuất dầu gốc có nguồn gốc từ dầu thô cho ra sản phẩm dầu khoáng “chất lượng cao” và được API phân loại là dầu nhóm III với những đặc tính cao cấp gần như dầu nhóm IV (PAO). Loại dầu gốc này có thể được gọi với các tên dầu gốc “tổng hợp” nhóm III.

Dầu “tổng hợp” VHVI

Có thể dùng thuật ngữ “tổng hợp” khi nói về dầu gốc khoáng sản xuất theo công nghệ VHVI. Nhưng theo API, dầu gốc VHVI này vẫn được xếp vào dầu gốc nhóm III (gốc khoáng).

Công nghệ VHVI là công nghệ sản xuất dầu gốc chất lượng cao từ dầu mỏ (dầu khoáng) được BP giới thiệu lần đầu từ những năm 1970, sau đó các hãng khác cũng tự phát triển công nghệ này như Fuchs, Shell, Exxon Mobil… Càng về sau công nghệ này có sự cải tiến đáng kể nhằm nâng cao chất lượng cũng như hạ giá thành dầu gốc VHVI. Từ năm 1995, Tập đoàn SK đã phát triển thành công công nghệ sản xuất dầu gốc VHVI mở đầu đưa Hàn Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu dầu gốc VHVI.



Tính chất điển hình của một số loại dầu gốc

 
Tính chất của dầu gốc VHVI vượt xa dầu gốc nhóm I, nhóm II và trội hơn so với các loại dầu gốc nhóm III sản xuất theo các công nghệ khác.

Công nghệ sản xuất dầu gốc VHVI có sự can thiệp sâu của các phản ứng hóa học, biến đổi rất lớn về các thành phần hóa học trong dầu gốc và chất lượng tiệm cận với dầu gốc tổng hợp PAO. Vì vậy các nhà sản xuất, người tiêu dùng xem đây là dầu “tổng hợp” và được biết đến với cái tên là dầu “tổng hợp” VHVI hoặc dầu VHVI hay dầu “tổng hợp” nhóm III (API vẫn xếp vào dầu gốc nhóm III).

Tính chất nổi bật của dầu “tổng hợp” VHVI như: chỉ số độ nhớt rất cao tương đương dầu PAO, bền oxi hóa, ổn định nhiệt rất tốt, ít bay hơi, ma sát thấp, ít tạo cặn, bồ hóng…

Hiện nay, dầu “tổng hợp” VHVI được ứng dụng chủ yếu trong dầu động cơ với chất lượng cao hơn so với các loại dầu bán tổng hợp (thường pha giữa <30% dầu tổng hợp và dầu gốc nhóm II) trên thị trường, nhưng kém hơn dầu 100% PAO một chút. Trong các nghiên cứu chỉ ra rằng một công thức có 18% dầu VHVI có chất lượng tương đương với công thức chứa 15% dầu PAO. Ngoài ra, dầu “tổng hợp” VHVI còn ứng dụng cho các sản phẩm dầu công nghiệp cao cấp như dầu thủy lực, dầu máy nén khí, dầu turbine…

Hiện nay, Hàn Quốc là nơi sản xuất ra các loại dầu VHVI tốt nhất và đã được xuất khẩu đi khắp Thế giới chiếm tới 65% sản lượng xuất khẩu của Thế Giới. Các hãng sản xuất nổi tiếng của Hàn Quốc như SK Lubricants, S-Oil, GS, Sungbo…

Nhờ nguồn dầu gốc VHVI chất lượng cao có sẵn, các nhà sản xuất dầu nhờn tại Hàn Quốc đã tạo lợi thế cho mình bằng các sản phẩm dầu động cơ, công nghiệp chất lượng cao với giá thành cạnh tranh so với các đối thủ. Các sản phẩm dầu nhờn của Hàn Quốc đã xuất khẩu đi rất nhiều Quốc gia trên thế giới kể cả các nước Châu Âu và Bắc Mỹ.




LeThuyet.27.10.2017